LINH TRUNG EXPORT PROCESSING ZONE

Công nhân “khoái ăn sang”

 

1cTSP2hf.jpg

Công nhân mua đồ ăn sáng để chuẩn bị vào ca trước cổng KCX Linh Trung 1, TP.HCM - Ảnh: Mai Hương

6g30, trước cổng KCX Linh Trung 1, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Danu Vina, ngồi nép bên vệ đường. Bàn tay gầy gò của chị chậm rãi lột vỏ một củ khoai lang. Chị đùa: “Mình rất hay “khoái ăn sang” (sáng ăn khoai)”. Cách đó ít phút, chị đã nằn nì người bán khoai chọn cho củ nào vừa to, luộc chỉ vừa chín tới, có nhiều bột, còn hơi sừng sực. Bà bán khoai vừa xốc rổ khoai tìm vừa cằn nhằn: “Mua có một củ mà cũng lắm chuyện”. Chị lí nhí giải thích: “Ăn khoai bột nó lâu đói cô ơi”.

Bữa sáng 1.000 đồng

Lo bữa sáng cho công nhân

Hiện nay, một số ít công ty có nấu bữa sáng hoặc phát tiền cho công nhân ăn sáng. Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản - Incomfish (KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân) từ năm 2002 đã tổ chức nấu bữa sáng cho công nhân, trị giá 12.000 đồng/phần. Thực đơn linh hoạt theo bữa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty cổ phần In số 7 (thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn) tổ chức phát tiền cho công nhân ăn sáng (12.000 đồng/người). Anh Trương Hoàng Tâm, ủy viên thường vụ BCH công đoàn Công ty cổ phần In số 7, cho biết: “Số tiền này công ty không tính vào lương tháng của công nhân. Việc này khiến công nhân rất phấn khởi vì có thêm khoản tiền lo bữa sáng, đảm bảo sức khỏe làm việc nhiều giờ liên tục”.

Chị Hoa nói: “Bây giờ, mức giá 1.000 đồng thì chỉ có thể ăn khoai chứ mì gói loại rẻ nhất cũng phải ngàn mấy, hai ngàn đồng rồi. Ăn khoai riết cũng nóng ruột, nhưng được cái rẻ tiền, uống thêm chai nước đem theo từ nhà, vậy cho có cảm giác no bụng mà đi làm cả ngày thôi”.

Cũng “tín đồ khoai lang” là chị Nguyễn Thị Kiều Thu, 33 tuổi, công nhân Công ty dệt may Thắng Lợi, KCN Tân Bình. Chị cho biết: “Mấy ngày cuối tháng hết tiền, tụi tui thường ăn cơm chiều với đậu hũ hoặc bí xào mặn. Ngày nào cũng đong gạo nhiều một chút để có cơm nguội sáng ăn rồi đi làm. Tôi còn nuôi hai đứa con nhỏ ở quê (Quảng Nam). Tụi tui ăn sáng ở đây vì bán rẻ, chứ có đời nào dám vô mấy quán ở ngoài đường. Giá ở đó tới mấy chục ngàn đồng một tô phở, bằng tiền đi chợ cả ngày...”.

Nói rồi, chị bước ra mua ba củ khoai lang hết 4.000 đồng, ngồi bên vệ đường vừa ăn vừa uống nước lọc mang theo vì khoai bột, dễ nghẹn. Dáng chị nhỏ thó, khắc khổ trong chiếc áo đồng phục rộng tuềnh toàng, chìm trong hàng trăm chiếc áo công nhân khác cũng đang vội ăn bữa sáng.

Chị Hồ Thị Mỹ Liễu, công nhân Công ty liên doanh may Vigawell VN, đang ăn vội gói xôi 6.000 đồng. “Bữa nào sang sang thì tui mua bún 10.000 đồng, nhưng cũng có nhiều bữa ăn cơm nguội. Khu nhà trọ chỗ tui ở, mấy công nhân hay chiên cơm nguội ăn, tiết kiệm phần nào chi phí” - chị Liễu nói. Chị Liễu năm nay 20 tuổi, quê ở Khánh Hòa. Mỗi tháng lương chị được hơn 3,5 triệu đồng, gửi về quê 1 triệu đồng, còn lại trang trải nhiều khoản chi phí khác. Trong đó, tiền trọ là mắc nhất: 600.000 đồng/tháng. Chị đến đây làm công nhân đã hai năm, nhưng “tối ngày tui đi làm rồi về, tính toán chi tiêu thật dè sẻn. Cứ đều đều vòng quay như vậy cho hết ngày hết tháng, chẳng biết Sài Gòn có chỗ nào đẹp nữa...”.

Tính cả tiền tăng ca mới được khoảng 3 triệu đồng/tháng, chị Trần Thị Thái - công nhân KCN Tân Bình, quê Vĩnh Long - phải chắt chiu, dành dụm để có tiền vừa lo cho bản thân vừa gửi về quê phụ giúp gia đình. Ở trọ cách công ty hơn 5 cây số, ngày nào chị cũng mất gần một giờ để đi bộ vì đi xe buýt hai lượt hết 10.000 đồng/ngày. “Từ khi giá cả tăng, chi tiêu cái gì phải tính toán. Sáng tôi chỉ dám ăn cao lắm là gói xôi. Ăn xôi lợi lắm, uống nước vô nó nở ra, no lâu hơn ăn mấy thứ khác” - chị nói. Gói xôi đậu chị Thái mua hôm nay chỉ có 3.000 đồng, nhỏ như cái nắm tay của em bé.

CnGXBmPC.jpg
Công nhân ở KCN Tân Bình mua đồ ăn sáng - Ảnh: Yến Trinh

Bánh mì nhân... dưa leo

Buổi sáng, dọc cổng KCN Tân Bình, KCX Linh Trung, KCN Tân Tạo... là các quán vỉa hè, gánh hàng rong với đủ loại thức ăn. Chỉ riêng khoảng không gian trước cổng KCX Linh Trung 1 dài chừng 50m đã có hơn 50 người bán thức ăn dạo. Đồ ăn ở đây có nhiều loại, giá từ 1.000 đồng (khoai lang, khoai mì), 2.000 đồng (bánh tiêu, bánh bò, bánh cam, bánh bao chiên), 3.000 đồng (xôi đậu, cốm dẹp trộn dừa, bắp nấu), 4.000-5.000 đồng (bánh mì chan nước thịt, bánh ướt ngọt nhân đậu, trứng luộc).

 

Sang hơn một chút là các món có giá từ 7.000-10.000 đồng như xôi mặn, bánh ướt chả lụa, bún thịt nướng, xúp cua trứng cút. Giá “kịch trần” cho các món ở khu vực này chỉ ở mức 12.000-15.000 đồng. Tuy nhiên, những món có giá cao thì ít người ăn. Sáng 4-9, trong khi các gánh hàng rong lề đường tấp nập bóng áo công nhân ghé vào mua thì hàng phở, hủ tiếu gần KCX Linh Trung 1, dù trương bảng giá chỉ 12.000 đồng/tô cũng không có khách.

Trước cổng KCX Tân Thuận, chị Trần Mũi Lũy (quê Kiên Giang) nhai vội ổ bánh mì nhân... dưa leo và nước tương. Chị khoe đó là bữa ăn sáng sang nhất của mình. Chị bộc bạch: “Tui làm ở Công ty TNHH Việt Hưng gần được một năm nay rồi. Bữa sáng của tui thường chỉ là cái bánh tiêu, bánh bò 2.000 đồng. Bữa nào ăn sang thì mới dám mua ổ bánh mì không, trong có bỏ mấy lát dưa leo và xịt thêm nước tương. Nhiều khi đi đường ngửi mùi phở thơm phức, bụng sôi ùng ục nhưng tui ráng đi thiệt nhanh vì còn ba đứa nhỏ ở quê đang chờ tiền của tui gửi về. Hằng ngày tui làm đến 19g, được công ty cho ăn thêm một cữ. Tối về có đói lắm cũng không dám mua gì ăn, chỉ uống trà đá cho bớt cào ruột để đi ngủ”.

Guồng vội đôi chân, ông Trần Hùng Dũng (49 tuổi, quê Vĩnh Long) đạp xe cót két chạy vội vào Công ty Phú Hưng Gia (KCX Tân Thuận, Q.7) cho kịp giờ làm. Vừa đạp xe, ông vừa kể hai vợ chồng ở quê nghèo quá, chỉ có 2 công ruộng nên dắt đứa con 6 tuổi vào Sài Gòn làm công nhân. Ông Dũng thở dài khi nhắc đến giá cả ở TP: “Tui và vợ đi làm công nhân ở Sài Gòn ngót cũng bốn, năm năm rồi. Sống ở đây ngần ấy năm mà tui chưa biết mùi tô hủ tiếu, tô phở là như thế nào. Mỗi buổi sáng dậy, chỉ nuốt đại tí cơm nguội, rồi bới cơm theo để trưa ăn luôn”.

Dọc theo KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân), từ sáng sớm các xe đẩy hàng rong đã nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Cương, 18 tuổi, công nhân Công ty ViNa, hôm nay không mua đồ ăn sáng. Chị nói: “Tháng này công ty hết hàng nên tụi tui thất nghiệp, tiền để dành từ tháng trước cũng hết. Tháng nào có lương thì được hơn 3 triệu đồng, nhưng thường thường mùng 4 là hết sạch tiền, tới mùng 10 mới có lương”.

Điểm tâm “bình ổn giá”

Có lẽ, ở Sài Gòn ít có khu điểm tâm sáng nào lại có những hàng ăn tuềnh toàng, dã chiến, đặc biệt là giá cả hầu như không đổi như khu điểm tâm dành cho công nhân trước cổng các KCX-KCN. Người mua nghèo đã đành, người bán cũng chẳng khá giả gì.

Mới sáng sớm, chiếc xe máy cũ với tiếng nổ bình bịch, khói phụt mù mịt từ bô xe đã đưa chị Nguyễn Thị Thủy cùng xửng xôi đậu có mặt trước KCX Linh Trung 1. Để kịp bán cho công nhân, chị đã ra khỏi nhà từ lúc 5g, chạy xe từ Bình Dương qua. Dù rao giá 6.000 đồng/gói xôi nhưng công nhân mua giá nào chị cũng bán: từ 2.000, 3.000 đồng, thậm chí 1.000 đồng/gói. Chị cho biết: “Bán ở đây là chấp nhận bán cho người nghèo. Bán mắc quá chỉ có ế”.

Bà Hoàng Thị Hoa (42 tuổi), chuyên bán bánh cam, bánh bò, bánh tiêu trên đường Nguyễn Văn Linh, gần KCX Tân Thuận, chia sẻ: “Ở đây bán giá rất “công nhân”, 3-4 năm nay vẫn vậy. Tụi tui cũng toàn là người nghèo ở quê, khó khăn lắm mới vô đây kiếm sống nên rất hiểu lương công nhân có là bao”. Vừa nhanh tay lột bắp, bà Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi), bán bắp luộc kế bên, cũng góp chuyện: “Tui bán bắp luộc giá 3.000-4.000 đồng/trái mấy năm nay rồi. Mỗi khi giá bắp sống tăng, tui cũng không dám nhích lên tí nào vì sợ công nhân không có tiền ăn. Họ mà nhịn thì tụi tui cũng đói”.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):

Ăn sáng không đủ chất dễ ngất xỉu

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất với công nhân trong ngày, vì sau buổi tối kéo dài 10-12 giờ, cơ thể rất đói. Buổi sáng lại là buổi làm việc nhiều giờ với cường độ năng suất cao. Bữa sáng cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho người lao động làm việc tốt, tập trung, nhanh nhẹn và sáng tạo, hạn chế sơ suất và tai nạn lao động. Nếu chỉ ăn bánh bò, bánh tiêu, bánh mì không, bún nước tương... thì chỉ có chất bột đường, sẽ thiếu đạm dẫn đến mau đói và không tỉnh táo, dễ giảm đường huyết, ngất xỉu khi đang lao động.

Đối với công nhân chỉ có một khoản tiền rất ít để ăn sáng (dưới 10.000 đồng) thì nên tự nấu ăn tại nhà để tiết kiệm tiền, vừa đảm bảo vệ sinh. Có thể ăn cơm với thức ăn của bữa tối để lại, chiên lại cơm nguội, chọn món ăn ít tiền nhưng đủ chất như bánh mì thịt, xôi đậu, mì gói thêm rau thịt, hủ tiếu thịt heo, bún chả cá, bánh ướt chả lụa...

 
M.HƯƠNG - Y.TRINH - Đ.PHI - H.YẾN
Hotline tư vấn miễn phí: 84-028-3896 2356